Với tư cách là một lãnh đạo, phải nói rằng Lưu Bang là một lãnh đạo tài năng, khả năng lãnh đạo của Lưu Bang đóng góp một phần rất lớn, đáng để các nhà quản lý trung và cao tầng học hỏi.
Hạng Vũ xuất thân là con nhà quý tộc, Lưu Bang xuất thân từ giai cấp nông dân, sau cùng, người nông dân bình thường ấy đã đánh bại quý tộc để lập nên nhà Hán, quả là một kỳ tích.
Rất nhiều người đều nói Lưu Bang phẩm hạnh kém, tâm độc ác, điều đó cũng không phải không có lý. Khi bị quân Sở đuổi phía sau, giữa đường gặp con trai Lưu Doanh cùng con gái, sợ xe nặng đi chậm, Lưu Bang đẩy hai con nhỏ ra khỏi xe. Hạ Hầu Anh vội nhảy xuống bế lên. Lưu Bang thấy quân Sở đuổi gần lại đẩy con xuống.
Cứ như vậy 3 lần nhưng Hạ Hầu Anh đều xuống cứu hai con ông, cuối cùng cả bốn người đi thoát. Hổ dữ còn không ăn thịt con, nhìn từ sự việc này, có thể thấy Lưu Bang quả thực độc ác.
Còn một chuyện nữa, Hạng Vũ bắt cha của Lưu Bang uy hiếp ông đầu hàng, nếu không đầu hàng sẽ nấu sống cha của Lưu Bang, Lưu Bang một mặt vô lại đối đáp: “Ta và người đã kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng là cha người, nấu chín rồi sau đừng quên phần ta một bát”. Đến tính mạng của cha mình cũng lấy ra đùa được, có thể thấy người đời chê Lưu Bang ác cũng là có cái lý của nó.
Nhưng, ác thì ác, với tư cách là một lãnh đạo, phải nói rằng Lưu Bang là một lãnh đạo tài năng, vì vậy, nếu không xét về mặt cảm tính, các văn thần như Tiêu Hà, Trương Lương, Trần Bình hay các võ tướng giỏi giang như Hàn Tín, Phàn Khoái, Chu Bột vẫn luôn hết lòng theo phò tá.
01. Việc mọi người cùng làm, tiền mọi người cùng kiếm
Lưu Bang là người khá hào phóng, khoảng thời gian là Đình trưởng (tên một chức quan) đã rất trọng nghĩa khinh tài, thích kết giao bạn bè, chẳng hạn như với Tiêu Hà, Phàn Khoái, Quán Anh… Giai đoạn Hán Sở tranh hùng lại càng hào phóng, ban thưởng tiền vàng chia đất, nhưng người theo Lưu Bang phần nhiều cũng chỉ muốn thăng quan phát tài.
Lãnh đạo hào phóng như vậy, ai mà chẳng muốn hết mình với công việc.
Ngược lại Hạng Vũ không được “vung tay” như vậy. Đoạt được thành trì, không nỡ chia cho công thần; lấy được ngọc bảo, cũng một mình thưởng thức, không muốn chia sẻ với ai. Một lãnh đạo “keo kiệt” như vậy, ai muốn chơi cùng?
02. Nhân tài chính là bảo vật
Đừng thấy Lưu Bang xuất thân nông dân mà cho rằng ông cổ hủ, trên thực tế, Lưu Bang ý thức rất rõ ràng tầm quan trọng của nhân tài, vì vậy, với nhân tài, ông không có một tiêu chuẩn đóng khung nào hết.
Chẳng hạn như Hàn Tín, vốn dĩ từ bên phía Hạng Vũ bỏ qua đầu quân cho Lưu Bang, ban đầu chỉ là một quan nhỏ, sau được Hàn Tín và Hạ Hầu Anh tiến cử, cất nhắc sau cùng vẫn trở thành đại tướng quân, giữ một chức vụ rất trọng yếu. Kiểu tin dùng người vô điều kiện bất chấp xuất thân như vậy, không phải ai cũng làm được.
Hàn Tín khi ở bên Hạng Vũ chỉ là chấp kích lang, một chức vụ tương đương như binh lính gác cổng đêm, đây không phải là xem vàng như đất bùn ư, chôn vùi nhân tài! Về điểm này thì Lưu Bang cao minh hơn Hạng Vũ rất nhiều.
03. Đặt đúng người vào đúng chỗ
Lưu Bang còn một ưu điểm chính là hiểu người và biết đặt họ vào đúng vị trí. Hậu Cần giao cho Tiêu Hà, đảm bảo hậu phương vững chắc. Phong Trương Lương làm tham mưu trưởng, lập mưu kế chiến lược tác chiến. Để Hàn Tín dẫn quan, đánh đâu thắng đó. Điểm này ở Lưu Bang vượt xa Hạng Vũ, một người tự cao tự đại, tới một trung thần như Phạm Tăng còn không thèm dùng.
Vì vậy, là một lãnh đạo, nhất định phải biết sở trường của cấp dưới, tránh cái khuyết điểm ra, để nhân viên phát huy sở trường của mình.
04. Cấp dưới đề xuất ý kiến không đồng nghĩa với việc thách thức quyền uy của lãnh đạo
Lưu Bang xuất thân nông dân nhưng tuyệt đối không bảo thủ cố chấp, biết cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cấp dưới, điểm này khác xa so với Hạng Vũ.
Sau khi công hạ được Hàm Dương, Lưu Bang “mờ mắt”, Phàn Khoái và Trương Lương lập tức nhắc nhở: “Quân chủ, cái chúng ta cần là thiên hạ, chứ không phải vàng bạc hay mỹ nữ trước mắt”.
Lưu Bang nghe xong lập tức lấy lại khí thế người làm chủ, đồng thời giao ước ba luật với bách tính Tần. Còn Hạng Vũ, không những một mồi lửa đốt cháy A Phòng cung, còn tàn sát hàng trăm nghìn quân Tần, triệt để mất đi lòng tin của dân chúng.
05. Nhỏ không nhịn ắt loạn đại cục
Lưu Bang thân là lãnh đạo, đầu óc vô cùng nhanh nhẹ, giỏi tùy cơ ứng biến. Khi Lưu Bang và Hạng Vũ đang đánh nhau rất ác liệt, ông gọi gấp Hàn Tín tới giúp sức.
Hàn Tín lại lanh vặt đề nghị trong thư với nội dung đại khái là: Giúp ngài đánh lão Hạng cũng được, nhưng ngài phải xử lý giúp tôi vụ cho tôi làm quyền Tề Vương. Lưu Bang đọc xong vô cùng tức giận, lửa cháy tới mông rồi mà Hàn Tín còn ở đó ra điều kiện.
Lưu Bang vừa định mở mồm ra mắng, quay sang nhìn Trương Lương một cái liền thay đổi giọng điệu: “Đúng là khiêm tốn quá, cái gì “quyền” với “không quyền”, với công lao của lão Hàn, sớm nên phong làm Vương lâu rồi, bỏ cái chữ “quyền” đi”.
Nói xong, sai Trương Lương đi lập Hàn Tín làm Tề Vương, trưng dụng binh của ông đến đánh Sở. Quân Tử phải biết tiến biết lui, và Lưu Bang đang làm rất tốt ở điểm này.
06. Anh làm việc, tôi yên tâm
Lưu Bang đối nhân xử thế rất hào phóng, chỉ cần anh bán mạng cho tôi, tôi tuyệt đối tín nhiệm anh, dùng người không hề nghi ngờ.
Chẳng hạn như khi Trần Bình hiến kế muốn ly gián Hạng Vũ và Á phụ Phạm Tăng, Lưu Bang nghe xong, lập tức phát cho Trần Bình vài vạn lượng vàng, “ngươi xem mà tiêu nào cho hợp lý, không cần báo cáo tiêu ra sao, chỉ cần xử lý xong Phạm Tăng là được.” Lãnh đạo tin tưởng như vậy, cấp dưới nào nỡ lòng gian dối làm không đến nơi đến chốn?
Rất nhiều ông chủ và lãnh đạo ngày nay thiếu đi một phần rộng rãi này, với ai cũng không yên tâm, luôn hoài nghi cấp dưới “giở trò” sau lưng mình. Bạn không tin tưởng người ta, người ta dựa vào đâu bán mạng cho bạn.
07. Ân huệ nhỏ, lung lạc lòng người
Lưu Bang đối xử rất tốt với cấp dưới, không ra vẻ ta đây, không dùng giọng điệu bề trên nói chuyện, thường xuyên ban cho cấp dưới những ân huệ nhỏ.
Khoảng thời gian then chốt khi Lưu Bang và Hạng Vũ tranh đoạt thiên hạ, lực lượng của Hàn Tín có vai trò quan trọng, hỗ trợ cho ai, bên đó sẽ thắng. Hạng Vũ phái người đến thuyết phục Hàn Tín phản lại Lưu Bang, Hàn Tín nói: “Hán Vương đối xử với tôi rất tốt, cởi áo của mình đưa cho tôi mặc, đưa cơm của mình cho tôi ăn, tôi làm sao có thể phản bội Ngài ấy.”
Có thể thấy, những ân huệ, những lần thưởng cho cấp dưới, dù nhỏ bé và rất đời thường thôi cũng có thể lung lạc lòng người, và là một kỹ năng lãnh đạo vô cùng cao minh.