Dấu hiệu xuất khẩu giảm
Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,4%, nhóm hàng nông, thủy sản tăng 15,6% và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tăng 44,9%. Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so với 30 mặt hàng của cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tăng trưởng tập trung ở những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may tăng 24% và da giày tăng 36%. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu cả năm sẽ vượt mục tiêu đặt ra khoảng 8%/năm.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 9/2022, nhiều dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu giảm với không ít ngành hàng.
Bộ Công Thương cho hay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Nhiều Hiệp hội DN cho biết, đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ sụt giảm tại các thị trường lớn.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau 6 tháng đầu năm xuất khẩu tăng cao thì thị trường hàng may mặc các nước quay đầu sụt giảm vào quý III. Tình hình cho thấy hiện tổng cầu hàng dệt may toàn cầu tiếp tục có những dấu hiệu sụt giảm sâu hơn nữa vào quí IV năm nay, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ và EU,… Lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể, trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều.
Sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn đạt con số ấn tượng với khoảng 35 tỷ USD, (bình quân mỗi tháng xuất khẩu được 3,8 đến 3,9 tỷ USD), tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng dự báo 3 tháng cuối năm chỉ xuất được từ 3,1 đến 3,2 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, ngành dệt may sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt đơn hàng có chiều hướng sụt giảm và đơn giá cũng sụt giảm.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho biết, mặt hàng dệt may Việt Nam đang chịu áp lực về giá, sau khi nguồn cung giá rẻ là Trung Quốc bị ảnh hưởng. Mỹ có xu hướng gia tăng nhập hàng từ các nước có giá thấp hơn Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu dệt may năm 2022 với mục tiêu 43 tỷ USD khó khả thi.
Hiệp hội Da Giày – Túi xách Việt Nam phản ánh, các thành viên đang đối diện rất nhiều khó khăn, tỷ lệ tồn kho lên tới khoảng 40%. Các đơn hàng mới từ tháng 8/2022 đến quý I/2023 cũng ít đi. EU và Mỹ là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam đang có xu hướng giảm sút về nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức mua trong những tháng cuối năm.
Với ngành gỗ, xuất khẩu còn gặp khó khăn hơn. Kể từ đầu tháng 7, các đơn hàng xuất khẩu đã giảm sút. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, sự suy giảm này chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh, trong khi các thị trường chính là Mỹ, EU, lạm phát tăng, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh,… Người tiêu dùng ở Mỹ và EU giờ chỉ tập trung chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu nên đồ gỗ bị cắt giảm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho hay, tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt hơn 850 triệu USD. Sau 7 tháng tăng cao, xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức thấp dưới 900 triệu USD.
Nỗi lo suy thoái
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm sau xuống 2,7%. Đây là lần thứ tư con số này bị điều chỉnh xuống. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều nền kinh tế duy trì chính sách thắt chặt bằng cách tăng lãi suất, trong khi tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại.
Những người đứng đầu IMF và WB nhận định, kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Theo tính toán của IMF, những khó khăn sẽ khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu đối mặt với ít nhất hai quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9 tháng 2022 đạt 86,3 tỷ USD; tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch 40 tỷ USD. Xếp thứ ba là thị trường EU với 35,7 tỷ USD. Các nền kinh tế EU đang suy giảm, nguy cơ sắp tới sẽ là Mỹ. Tại những thị trường này, lạm phát của nhiều quốc gia xấp xỉ mức 10%, chính vì vậy, tỷ lệ tồn kho hàng hóa tương đối cao, nhu cầu về đơn hàng từ nay đến cuối năm và đầu năm 2023 giảm mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid. Đây là khó khăn lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần xác định rằng, không chỉ dựa vào những thị trường truyền thống, có kim ngạch nhập khẩu lớn, phải chuyển hướng sang các thị trường khác để bù đắp cho sự giảm sút. Cùng với đó, cần giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó giúp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường.